Nguyễn Thụy Kha

nguyenthuykha.wordpress.com

BIỆT TRĂM NĂM (1. BIỆT CỐ SỬ)

Posted by hienan trên Tháng Bảy 11, 2007

I

BIỆT CỐ SỬ

1. Đông kinh Nghĩa Thục

2. Yên Thế

3. Chất người

4. Phút dừng lại phố Thợ Nhuộm

5. Vinh

6. Xứ Lạng

7. Lá cờ ấy

8. Tân Trào

9. Thu tự do

10. Việt Bắc

11. Cảm ơn Điện Biên

12. Đồng Khởi đất

13. Lửa lưới trời

14. Tráng ca 68

15. Mùa hạ diễm

16. Đường Thái Cực

17. Những tảng đá vỡ

18. Cần làm ngay những việc

19. Bức tường

20. Tan và biến

ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC

Sao bây giờ viết yêu anh, em lại viết bằng tiếng Anh

Trò sính Tây ấy hồi đầu thế kỷ hai mươi đã có những người viết bằng tiếng Pháp

Vậy mà ngày ấy đã có những cụ đồ Nho tự khước từ chữ Nôm, chữ Hán

Gọi hệ chữ La Tinh ta viết bây giờ là Quốc Ngữ Việt Nam

¡

Nghĩa Thục Đông Kinh

Đông Kinh Nghĩa Thục

Cuộc cách mạng thay bút lông bằng bút sắt

Đã mở ra thời Văn Hiến hôm nay

¡

Những dấu sắc, hỏi, huyền, ngã, nặng ở bài thơ này

Là hiến dâng người muôn năm trước

Những dấu ớ, dấu á, dấu ư, dấu ê, dấu ơ, ở Tuyên Ngôn Độc Lập

Cũng lay động hồn Nghĩa Thục Đông Kinh.

YÊN THẾ

Người bạn họ Hoàng của cụ tôi là “Hùm thiêng Yên Thế”

Viết việc cụ chống Tây có Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng

Tôi chỉ có người ông làm con nuôi cụ

Sao lắm khi nghĩ đến thấy xót thương

Chống giặc tây có nghĩa sỹ Cần Vương

Ghét nhạc Tây thì làm đờn ca tài tử và diễn cải lương

Có bao giờ nước Nam hét cỏ…?

Ngọn lửa Cần Vương xuyên thế kỷ quật cường

Và Yên Thế như nơi quần tụ cuối cùng

Những kiệt hiệt, anh hào quắc mắt

Lưỡi gươm luyện nhật nguyệt mòn trận mạc

Khắc lên trời huyết lệ Cần Vương

Hai Cầu Vồng khét tiếng ngàn sương

Hoàng Hoa Thám Cần Vương thành tên đường khắp nước…

CHẤT NGƯỜI

Tưởng nhớ Nguyễn Thái Học

Không biết ở góc phố cổ nào chiều ấy

Ông nắm chặt bàn tay lần cuối người yêu

Bàn tay ấy đã làm cho sử sách một Yên Bái,

đã giơ cao nơi pháp trường hành quyết

Lời hô hào hùng: “Việt Nam vạn tuế …” giữa ô lâu

¡

Ôi! Thổ Tang xanh mướt đất dâu

Sao biết đến thời để giết người cách mạng

giặc Tây đã mang sang máy chém

Sao biết được người thư sinh làng mình thành

lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng

Lời thề: “Không thành công thì cũng thành nhân”

¡

Tôi giữ bức ảnh ông như hình ảnh ông ở trong tim bà Giang

Bởi thành công có phải khi nào con người muốn là làm ra được

Nhưng cái chất người, thật người như Nguyễn Thái Học

Là cái chất quá cần cho mọi lúc mọi nơi người sống chẳng ra người…

PHÚT DỪNG LẠI PHỐ THỢ NHUỘM

-Tưởng nhớ Trần Phú-

Như men theo thương nhớ

Đơn vị hành quân qua đêm

Và dừng lại làm một hành bằng lăng

Phố Thợ Nhuộm của kinh đô cổ

Cái phố chéo trốn tìm thơ nhỏ

Cái phố như con kênh

Nối tắt hai đại lộ

Hai đại dương thợ thuyền

Biển tình một thủa

Tôi nhoài đến bức tượng căn nhà cũ

Gió từ xa xăm ngỡ dồn hết về đây

Mùa xuân nào xanh âm thầm cây

Bóng mật thám rình mò lấm lét

Những mảnh đá như ngàn ngực ghép

Lặng im che chở căn hầm

Đôi mắt mở hai vòm cửa nhỏ

Như đôi mắt anh đăm đắm nhìn tôi

Giọng Hà Tình trầm trầm sâu lắng

” Bản luận cương mình đã viết xong…”

” Bản luận cương mình đã viết xong…”

Cái tiếng vọng loé từ hầm tối

Đã cháy thành ngọn cờ liềm búa

Để phút này đây tôi bỗng thấy măt trời

Như mọc lên nơi phố nhỏ thân quen

Đơn vị lại đi bình minh tan sương sớm

Đường lên biên giới như vòng cung

Như đang cùng anh trên con đường ngắn nhất

Đã vạch ra trong bản luận cương.

VINH

Đã đẹp như gái Vinh

Lại còn tên Vinh nữa

Lãng mạn đến không còn e sợ

Riêng quả tim không thể dấu đam mê như trống ngực dập dồn

Tiếng đập nhiệt thành như tiếng trống Xô Viết năm xưa còn vẳng giữa không gian

Cha ông mình say lý tưởng hồn nhiên như say nước chè tươi đặc

Đã tạo thành hành khúc “Cùng nhau đi hông binh”

Và trống trận Quang Trung hoá trống thời Xô Viết

Tiếng trống dội vào ngực bao người và ngực em biến thành nhịp đập

Khiến vẻ đẹp thông minh làm đa cảm bao chàng

Còn chữ nịnh sao chữ “Nỏ “quê mình

Vừa đồng nghĩa vừa đồng âm cứ y như chữ “Now” của Mỹ

Cứ như là gốc Mỹ ở Nghệ An…

XỨ LẠNG

Mặc áo chàm em vẫn thành hoa hậu

Sao vô duyên mình cách xa nhau

Giá như bữa ấy em đừng hát như ai mách bảo

Bài “Bắc Sơn ” của bác Văn Cao

Thì xứ Lạng vẫn chỉ là em ngọt ngào

Là Tam Thanh, Nhị Thanh, Tô Thị

Sông Kỳ Cùng mà cùng như thể

Em chảy đi vời vợi chẳng quay về

Vì em hát quá hay nên xứ Lạng hoa lê

Cả rừng hồi ngan ngát mùi súng kíp

Lại rầm rập bước chân Cứu Quốc Quân theo Phùng Chí Kiên đi phục kích

“Bắc Sơn đây núi rừng chiến khu…”

Sử viết ra ai có thể chối từ

Như em đẹp xinh đứng chỗ nào chẳng thế

Nào lại hát “Bắc Sơn” rồi hát Then nữa nhé

Đàn tính hai dây còn một hoá đàn bầu.

LÁ CỜ ẤY

Lá cờ ấy nền đỏ sao vàng

Chắc thông hiểu ngũ hành, bát quái

Hiểu hướng thiện cuộc cách mạng vĩ đại

Sắc và sao đối lại cờ Nam Triều

Đối lại cờ Tây ba sắc ngạo kiêu

Cờ đỏ sao vàng dục Nam Kỳ khởi nghĩa

Bay lần đầu giữa Cửu Long vần vũ

Ngỡ cả chín con rồng cùng tiếng súng thăng hoa

Cờ đỏ sao vàng phầt phật trời xa

Gãy gục cờ quẻ ly rồi đến cờ ba sọc

Cờ đỏ sao vàng phầt phật toả ra

Bốn bể, năm châu, cầu trường, Ô-lem-pích

Hoá người nghĩ cờ và quốc ca đều đồng hương Nam Định

Đất vua Trần quê đồng chí Trường Chinh

Từ ngày Nam Kỳ đứng lên kiêu hãnh

Hoá muôn đời hồn non nước anh linh.

TÂN TRÀO

Ai đem ý nghĩa trào lưu mới của cuộc cách mạng này

Chiết tự thành Tân Trào ngày đó

Rồi chuyền vào cây đa làng dòng nhựa

Cây đa đúc tượng đài sừng sững trước nhân gian

Để Tân Trào khai sinh cùng thời gian

Để bóng Già Hồ lồng bóng đa lồng lộng

Để Hội Nghị Quốc Dân hoá thời cơ giải phóng

Xiềng xích trăm năm rơi rụng xuống một ngày

Và giờ đây từ gốc đa này

Bao cô gái Tuyên về dự thi người đẹp

Như một thủa Già Hồ in dấu chân dép lốp

Nắng Tân Trào xanh Hà Nội mùa thu

THU TỰ DO

Từ Châu Tự Do đến thu tự do

Người bồi hồi bước những ngày đầu khởi nghĩa

Đã trăm năm bao mùa thu nô lệ

Bỗng thu này người thành men rượu say

Bỗng thu này người bay hơi rượu bay

Ba đình nắng tiếng Người vang vọng

Người giữa muôn người tuyên ngôn xúc động

Thu tự do bỡ ngỡ càn khôn

Thu tự do ngây ngất nước non

Người tự do kháng chiến toàn Nam bộ

Người tự do giữa Hải Phòng cháy lửa

Và khắp nơi… và Hà Nội… mùa đông

Sống như một người nô lệ còn đáng sống nữa không?

Chết như một người tự do, chết thế là điều hạnh phúc

Câu hỏi từ thu tự do với muôn người theo suốt

Những nẻo trường chinh kháng chiến trường kỳ…

VIỆT BẮC

Giữa Đông Bắc và Tây Bắc

Người đã chọn Việt Bắc giứa vòng cung Ngân Sơn

Thủ Đô khangd chiến nỏ thần nhọn ngàn tên

Bắn về mọi phía nào giặc chiếm

Nơi ấy

Người ung dung mái lán

Một câu thơ nghiêng xuống bóng trăng

Nghe tiếng xuối ngỡ tiếng Sli, lượn

Ngọn bút chì nhịp máy chữ loang

Cuộc trường kỳ hằn những lo toan

Người tầm vóc vầng trán chòm râu cước

Bao đớn đau cối gạo vừa đầy nước

Để trắng tinh những hạt gạo tâm tư .

Lại thênh thênh hạnh phúc xa xưa

Vó ngựa ruổi những đường mòn độc mã

Có phải thiên tài luôn là một cái gì xuất thần rất lạ

Dù thiên tài mặc áo quần nâu đi dép cao su.

CẢM ƠN ĐIỆN BIÊN

Xin chào anh, nghệ sĩ thổi sáo

Cảm ơn

Giữa Pa-ri huyên náo

Tôi gặp lại Việt Nam

Không phải tiếng gầm trọng pháo

Những ngày tuyệt vọng lính viễn chinh

Mà là tiếng sáo

Tiếng sáo Mèo chênh vênh

Len vào tôi những ngày Điện Biên

Như một niềm an ủi

Day dứt vào hồn tôi tội lỗi

Một thời ngông cuồng

Bây giờ phải không anh ?

Tôi có thể nói về quá khứ

Quá khứ khủng khiếp, không hiểu sao khi đó

Tôi may mắn sống bằng khẩu phần tú binh

Quá khứ rùng mình

Không cách gì nói đủ

Buổi ấy nước Pháp

Pa-ri của tôi

Tháp ép-phen Hy vọng

Sau chiến tranh nặng nề chán nản

Con người đầy bi quan

Khi những câu thơ Ê-lu-a, A-ra-gông

Còn nóng bỏng một thời du kích

Buổi ấy tôi không sao hiểu được

Khi vết tích hồi thất thủ Pa-ri

Như vết bỏng mặt người chưa lành hết

Chính phủ La-ni-en

Buộc chúng tôi đi “đánh giặc”

Giặc gì ở Điện Biên ?

Tôi vốn yêu âm nhạc mà anh

Thích ngồi bên dương cầm chứ không phải là trọng pháo

Thế mà để hy vọng có ngày về bên dương cầm

Tôi đã đến Điện Biên

Dập tắt những điệu xoè tiếng sáo

Ôi tiếng sáo Mèo ngọn lửa giữa mù sương

Khi đồng ngữ xả súng vào cô gái trần truồng

Sau no nê xác thịt !

Tôi thường quay mặt đi. Trái đất và đêm

Xoá nhoà tất cả bằng bóng tối

Nhưng đôi khi chính tôi

Vẫn phải bám vào người vô tội

Gán cho anh ta cái tội “Việt Minh”

Để sau đấy bữa ăn không nuốt nổi

Bữa ăn lính viễn chinh

Thường kèm máu

Và có thể máu của người biết thổi sáo

Tiếng sáo ấm lòng đêm giá buốt Mường Thanh

Khi các anh vây đặc xung quanh

Na-va cố tình không nhớ

Các anh đầy lòng tin

Thứ vũ khí chùng tôi không thể có

Đớ Cát đã quên khi thách thức

Cộng tiếng sáo Mèo vào lực lượng các anh

Họ đã quá yêu mình

Nên mù loà sự thật.

Hồi đó những ngày thật khiếp nhược.

Những tin đồn trọng pháo các anh

Kéo vào lại kéo ra lại kéo vào hướng khác

Rồi trọng pháo thét gầm

Những thước hào ma quỉ

Như trăm vòi bạch tuộc xoè ra

Tôi chui rúc trong tối lầy, ngách hầm chật

Xác chết, xác chết bủa vây

Vỏ hộp ùn lên bệnh tật.

Ôi tiếng sáo Mèo của anh dịu ngọt làm sao

Cơn huyết áp qua, bây giờ là yên ả

Cảm ơn Điện Biên

Đã cho tôi lột xác

Dẫu chỉ là tù binh.

Cảm ơn Điện Biên cái địa danh màu nhiệm

Cho tôi thành bè bạn các anh.

ĐỒNG KHỞI ĐẤT

Ai đó ngây thơ tưởng miền Nam trước Hiệp định Giơ – ne -vơ

toàn là vùng giặc chiếm

Họ đâu biết một vùng tự do miền Nam dài rộng suốt chín năm

Sau tập kết cả miền Nam dưới gót giầy quân Diệm

Người đã được tự do sức mấy chịu quay về kiếp nô lệ điêu linh

¡

Đồng khởi ! Đồng khởi ! mệnh lệnh của con tim

Miền Nam lại thêm lần đi trước

Mỗi tấc đất mỗi Thành Đồng Tổ Quốc

Mỗi người dân một nhân cách tự do

¡

Em đã khóc ngày anh đi ” Bê “

Khóc những không cản ngăn chỉ lặng thầm chờ đợi

Và biết bao người đi cùng anh không bao giòa trở lại

Họ đã làm ra mặt đất thời máu xanh

LỬA LƯỚI TRỜI

Những ngày Mỹ ném bom

Cả miền Bắc mang mệnh lệnh Thiên Thượng Hoả

Lửa lưới trời tầng tầng dăng

Một một đại hạn giật giành vật vã

¡

Tiễn anh đi ” Bê ” em quay về cấy mạ”

Lại khoác ngụy trang ụ trực chiến phòng không

Nhìn bầu trời nhớ bầu trời xa qua

Chợt rùng mình nhoà lưới lửa và trăng

¡

Lịch sử những ngày rách toạc những vết thương

Nhưng lịch sử không bao giờ quay về thời đồ đá

Tiếng Việt càng sáng trong dưới hầm sâu

nơi ngọn đèn hạt đỗ

Ca dao và Kiều vẫn ru lớn trẻ con

¡

Những đứa trẻ lại hoá những anh hùng

Dẫu Tháng Chạp thiếu ảnh thờ người chết

Mệnh hệ họ những linh hồn bất diệt

Bay lên lửa trời thành khói, thành mây

TRÁNG CA 68

Không đại thắng như Tết Quang Trung

thì cũng thành tráng ca Tổng Tấn Công Mậu Thân 68

tráng ca buộc kẻ địch phải ngồi cùng ta

bốn bên trước một bàn đàm phán

Pari năm ấy, có một đặc công âm nhạc Việt Nam

chiếm được một điểm cao của âm nhạc toàn cầu

¡

không được cùng người lính đặc công lặng lẽ

tấn công thù

nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo viết ra

” Thành Đồng Tổ Quốc “

bản tráng ca này cùng tráng ca trong nước

ngất cao một hoà điệu núi sông

¡

những người lính chết đạn chiến dịch Mậu Thân

những người lính chết đói sau chiến dịch Mậu Thân

các anh là từng nốt, từng nốt đỏ máu tươi

trong bản tráng ca bi khuất

sẽ còn vang nhói nhức đời đời

MÙA HẠ DIỄM

Thành cổ nát tan tành cùng hàng phượng dọc đường Nguyễn Hoàng mà em vẫn hát “Diễm Xưa “.

Hương ơi! áo dài trắng cây ghi-ta bé bỏng

Chai la-de đầu tiên anh uống cùng đá lạnh tanh nồng mùi máu, múi xương

O

Em còng trên đời không hay đã nát tan cùng những mảng tường

TRường Bồ Đề hay đã chết sập hầm trước toà nhà tỉnh trưởng

Cái giọng khàn khàn giai điệu lạ lẫm

Đã hoà em vào trong ký ức của anh

O

Hoà cả mùa hạ 72 cùng đồng đội trẻ măng

Những binh nhì hy sinh ngày lính mới

Mưa vẫn hay mưa … nắm cơm thiu vắt vội

Diễm xưa… Quảng Trị xưa… mùa hạ xưa…

còn mất đến bao giờ ?

ĐƯỜNG THÁI CỰC

Đường Thái Cực cong theo hình Tổ Quốc cha ông vẽ ra từ ba trăm năm qua ngày hành phương Nam mở nước

Mãi tới ngày cuối tháng tư nay mới lấy lại vẹn toàn

Chợt Trường Sơn và biển Đông lưỡng nghi vào ngực buốt

Một nhất nguyên hình chữ S mảnh thanh.

O

Có lẽ vì sự trùng lặp kỳ diệu này mà ta có chữ Việt Nam theo mẫu tự La Tinh

Hình chữ S nhập vào đường Thái Cực

Mà Việt Nam thành nơi Đông-Tây hoà hợp

Từ một Thăng Long đi tới Cửu Long

O

Mũ tai bèo, nón cối xanh rợp trời Sài Gòn

Thì pop-rock theo dàn nhạc điện tử luồn nắng ra Hà Nội

Trịnh Công Sơn có thêm nửa trên Thái Cực kia

Yêu ca khúc mình mê một bên băng cối

Mùa hạ 75 mùa hạ đến là vui …

NHỮNG TẢNG ĐÁ VỠ

Sau cuộc rút chạy của kẻ thù

Biên giới Tây Nam rồi vòng cung phương Bắc

Anh sẽ khóc hay cười

Trước những tảng đá lầm lì nơi mặt trận mới rồi đá vỡ

O

Những tảng đá vầng trán đồi già nua

Từ tạo sơn xưa cũ

Những tảng đá nằm không đúng chỗ

Mới đây

Kẻ thù chọn làm nơi che đỡ

Mới đây

Dù biết đá văng ra sẽ làm mình xước xây

Anh vẫn nghiến răng bắn vỡ

O

Anh sẽ khóc hay cười

Trước những tảng đá lầm lì

Đã vỡ

Những chắc chắn màu xanh

Cái màu xanh rất trẻ

Cái màu tơ non của hạt mầm mới mẻ

Sẽ tràn qua

Những tảng đá vỡ.

Cần làm ngay những việc

Những chiếc khăn mặt dù bị dệt dối

Vẫn còn được sống đến rách đời mình

Làm ngay đi anh những việc còn đây

Huống chi là sự thật

Sự thật không chết bao giờ.

Gạt đi thói ù lì ngây ngô

Quan liêu chậm chạp

Gạt đi đám hành khất cơ hội

Ngửa tay xin quyền chức

Hãy đichạy hãy bay tới cùng

Tốc độ chóng mặt càng làm ta bình thản

Quá quen khổ đau ngại chi cay đắng

Ta đang sống thời cải tổ hết mình

Ơi những ô nhỏ trên trang một báo hàng ngày

Những cánh cửa mở trước ta mỗi sớm…

BỨC TƯỜNG

Pinh-floy khi viết ra và tấu lên nhạc phẩm “Bức Tường”

Những chàng rốc-cơ đâu biết mười năm sau nó lại vang lên nơi bức tường Béc-lin xụp đổ

Cái dự báo bằng âm thanh không lời sao dễ sợ

Khiếu chẳng nhà cầm quyền nào đoán nổi những người như các anh

O

Tôi sinh đúng ngày khai sinh nước cộng hoà dân chủ Đức(7.10.1949)

Ngày sinh nhật thứ bốn mươi (7.10.1989)

Lại chứng kiến bức tường cách ngăn kia bị dân chúng đập đi

Tôi biết và thích Pinh-floy quá muộn và choáng ngợp

Nên làm sao thơ dự báo được gì

O

Nhưng còn làm thơ thì còn lắm điều cần dự báo

Ví dụ như câu thơ viết bây giờ

TAN VÀ BIẾN

Liên Xô tan rã rồi chính biến ở Matxơcơva

Cơn bão ập vào Việt Nam thời tư duy đổi mới

Tôi chứng kiến nhiều đảng viên già đã khóc khi nghe tin ấy trong chiều Hà Nội

Nhưng khóc xong có người mặt như đá lạnh đi

O

Thế kỉ chúng ta chứng kiến đến cực kỳ

Hai thế chiến và chiến tranh ở nước mình rồi chiến tranh khắp chốn

Nhưng sự tan rã của Liên Xô khiến chính tôi đau đớn

Như niềm tin bị róc xương ra

O

Song chính khi bị dồn bức đến xót xa

Cùng tắc biến ta mới bàng hoàng tỉnh

Cuộc say dài duy lý cùng ảo ảnh

Đã rã men khi uống ngọt dân ca

O

Khi bên mình còn có bạn sẻ chia

Và dân tọc ngoan hiền thường chịu đựng

Đã lại vượt qua như cái tên nước mình từ chữ ” Việt” là cái búa đến chữ “Việt” là chữ “Vượt”

Đổi thịt thay da hai thế kỷ này.

Một bình luận to “BIỆT TRĂM NĂM (1. BIỆT CỐ SỬ)”

  1. Unquestionably consider that that you said. Your favourite reason appeared to be
    at the internet the simplest factor to keep in mind of.
    I say to you, I definitely get annoyed at the same time as folks consider worries
    that they just do not realize about. You managed to hit the nail
    upon the highest as well as defined out the entire thing without
    having side effect , other people can take a signal.
    Will probably be back to get more. Thank you

Bình luận về bài viết này