Nguyễn Thụy Kha

nguyenthuykha.wordpress.com

BIỆT TRĂM NĂM (2. BIỆT THẾ SỰ)

Posted by hienan trên Tháng Bảy 12, 2007

 

II

Biệt Thế Sự

 

 

1.      Quanh bàn cờ

2.      Lời trải từng mùa xuân

3.      Đêm trên toa tàu ngồi

4.      Nhớ Bun Ga Cốp

5.      Đổi khác

6.      Nê xin cười

7.      Lỗ thủng

8.      Những người già lang thang

9.      Những người già rất trẻ

10.  Bên tôi

11.  Đề về

12.  Ngẫm nghĩ

13.  Tháng sáu

14.  Những đêm thức tuổi bốn mươi

15.  Tự trách

16.  Lin Ga

17.  Tam cúc ba mươi cây

18.  Về Huế

19.  Trong đêm

20.  Đầu xuân chợt nghĩ về Thánh Gióng

 

 

 

 

 

QUANH BÀN CỜ

 

Người đứng phía quân trắng

Mách nước cho quân hồng

Có người thầm tính toán

Nước tốt đầu sang sông

             O

Ở đâu giữa đám đông

Cái người hay lờ lượn

Khi thì theo quân hồng

Khi thì theo quân trắng

 

 

 

LỜI TRẢI TỪNG MÙA XUÂN

 

Sao không toả xanh nữa bàng

mùa đông hết rồi mà còn trơ trụi

để mùa xuân cứ dè dặt tơ non

dọc hàng bàng hè phố

cây tốt tươi xen cây thôi nảy lá

sống chết diễn ra bên nhau âm thầm

 

Hôm qua tôi giật mình

Chợt nhìn bạn muối tiêu mái tóc

Xa thật rồi ư ! thời vô tư trận mạc

Đã nói được gì nung nấu tháng năm

Tuổi tác bắt đầu nhắc

Trong nắng, chiều đang tan

 

Số phận đi trên sợi dây thời gian

Chênh vênh lắm nên thường khi chậm muộn

Cây khẳng khô xoè tay giữa trời xanh

Cố tạc lại cuộc đời mình từng sống

Sợi tóc bay bay vương làn khói trắng

Tiếc một đời ngọn lửa cháy không nguôi

 

Tất cả như đang trầm tĩnh kề cùng tôi

Không còn ngây thơ dáng cây mầu tóc

Mùa xuân nữa tự bao giờ thân thuộc

Sao hôm nay biêng biếc lạ lùng

Trong lời trải từng sợi đen đã bạc

Cái mầu xanh đã tắt bên đường

Trên đoạn dây thời gian cuối cùng

Thường ngăn đi đột ngột

Phải bước từ từ không thể nào chạy được

Mầu tóc dáng cây giục sống hết lòng

Hãy người hơn trước từng thử thách

Hãy tươi xuân như em.

                                                                Xuân 1991

 

 

 

 

ĐÊM TRÊN TOÀ TÀU NGỒI

 

Toa tàu ngồi sập xuống đêm

Hành khác không còn người đùa nữa

Toa tàu bỗng ngổn ngang

Như một bức phù điêu

 

Người chen người như rễ cây rễ cỏ

Như số phận ngang dọc vào nhau

Có một cuộc đời bỗng dưng thiếp ngả

Trái đất như ngừng quay đêm đứng lại trên đầu

 

Đêm vẫn chìm sâu chìm sâu

ánh đèn mờ tiếng còi hú gọi

Ai đó cựa mình nơi tôi ngồi bó gối

Nơi tôi ngồi mong mỏi mặt trời lên.

 

 

 

 

 

 

 

NHỚ BUNGACỐP

 

Gió tuyết đến nhường kia

Mátcơva những năm 20 ngột ngạt

Tôi thấy Bungacốp tay cầm mẩu bánh mỳ

Còn tay kia la` cấy bút.

 

Bé xíu mẩu bánh mỳ cuối cùng

cầm hơi một nhân cách như ông

cây bút dù còn mực

cũng không viết tụng ca một chữ một dòng.

 

Thế kỷ này tưởng tượng nhiều công bằng

tự do lắm sao quá nhiều oan trái

Công an đông thêm người ăn mày đông thêm

ngày qua ngày ít đi người tử tế

 

Thế kỷ này để được sống thực người

sao cay đắng quá

bao thằng gào lên đổi mới đổi mới

bắng cái giọng cũ mèn nghe đến mốc meo ra

 

Thế kỷ này một nhân cách như ông

Cũng đủ làm con người không sợ nữa

dù nhiều nhà văn bây giờ mọc nanh cắn xé nhau như chó

dù chó có thuỷ chung hơn “đồng chí” với nhau

 

Hôm nay “Trái tim chó” của ông đập giữa cuộc đời

Tôi buồn nhớ và ứa nước mắt

Thế kỷ này còn nhiều Saricốp (*)

còn bao nhiêu nhân cách như ông.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                            12-88

 

____________

(*) Saricốp : Nhân vật người chó của Bungacốp trong truyện “Trái tim chó”                  

 

 

 

 

                 ĐỔI KHÁC

 

 

Tặng Công

 

 

Có những món ăn xưa ngon nay vẫn ngon

cá bống cát sông Trà kho tiêu hai lửa

ca dao thơm ngon canh don

Chỉ đổi khác lớp người thích nó

 

người trung thực có khi cay đắng

làm sao hơn lời nịnh nọt mật đường

xưa đã thế thì nay vẫn thế

đổi khác chăng là nhữnng tri âm

 

Cá bánh tráng xưa vất đi nay quý

đổi khác làm ra Đông Lạnh Sa Huỳnh

thơ anh thế và anh thi sĩ

anh chẳng đổi mình anh chẳng khác anh

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                            4-1995

 

 

 

 

NÊ – XIN CƯỜI

 

 

( Mến tặng tác giả

” NHỮNG NGƯỜI THÍCH ĐÙA “ )

 

 

 

Nếu những cuốn chuyện chỉ làm người ta

                                                         khóc

Nhiều khi ở đó mới có nửa cuộc đời

Ở một nửa khác

Tôi thấy Nê – xin cười

 

Nê – xin xa xôi

Chưa bao giờ chúng tôi gần anh đến thế

Chưa bao giờ chúng tôi cần anh đến thế

Như hôm nay không thể thiếu nụ cười

 

Nê – xin vẫn cười

Tôi đọc mãi anh và nhận ra giây lát

Trước tiếng cười là tiếng khóc

Trong tiếng cười có tiếng khóc

Và có lúc sau tiếng cười

Tự nhiên người ta ứa nước mắt.

 

 

 

Hà Nội, tháng 10. 1982

 

 

 

 

 

LỖ THỦNG

 

 

Những cái cổng như thế

thường dẫn vào một gia đình

ngọn lửa quây quần rau cháo

ấm cười bỡ ngỡ lứa đôi

những cái cổng như thế

thường là nơi ẩn náu cuối cùng của con người

 

ù

 

nhưng trước cánh cổng này

tôi chia tay bè bạn

bè bạn những năm dài làm lính

giờ lặng lẽ chia tay đất nước

 

mang chút sức lực còn đi lao động nước ngoài

không nói được nhiều cứ nghèn nghẹn nhìn nhau

cảm thấy mình đang mất

một cái gì không sao giữ nổi

 

ù

 

giờ đã xã xôi

vũng tuyết rơi đô thành lấp lánh

có khi nào bạn ngoái về thầm lặng

một cái cổng nhỏ nhoi

cái cổng như một vết thương

cái cổng như một lỗ thủng

bạn bè cứ chảy qua đây cuộn xiết

đến bao giờ nguôi.

 

 

 

 

NHỮNG NGƯỜI GIÀ LANG THANG

 

 

Như tiếng rên  những con mèo hết thời hôn phối

lủi thủi hè đường những người già lang thang

 

§

 

như những mảnh tường nắng mưa sạt lở

chèn vào không gian trống hoang

những người già rách rưới

từ áo quần cho đến trái tim

 

§

 

Và bàn tay ngửa giữa trời xanh

đầu ngoẹo đi nhọc nhằn trễ nải

bàn tay từng đỡ trĩu nặng một thời lên

giọng nói từng thét to thế kỷ

 

§

 

bây giờ không còn tuổi trẻ

đòi lại những ngày vô vị trôi đi

chỉ còn van xin cầu may được chút gì

tuổi già còn mắc nợ

 

§

 

Cứ thế

những người già lang thang phố xá

những người già…

 

 

 

 

 

 

 

NHỮNG NGƯỜI GIÀ RẤT TRẺ

 

Như nắng trời tuổi tác

lại rất ngây thơ mỗi sớm dọi vào đời

sáng sao tiếng các cụ cười

 



 

như núi non cổ tích

còn nhô căng lồng ngực thanh xuân

lay động tôi sang sảng chầu văn

 



 

cuốn tôi đi dòng sông xưa cũ

tư duy mới như cơn lũ

Vầng trán những nếp nhăn như sóng mê say

 



 

tôi đã đi xuyên tháng ngày

dọc xứ sở chỉ để nhìn tận mắt

những cuộc đời tưởng gần kề điểm chót

chợt hồi sinh qua đau đớn trải từng

cuộc hành trình lột xác

quên đích cũ sau lưng

tôi đã đi để không hối tiếc

không nhầm

những người già trẻ mãi cùng dân tộc

gỡ ở tôi bao vướng rối

xoá nhanh bao mệt mỏi đời thường

cái cỗi cằn đâu nằm ở tuổi?

 



 

tôi đã đi để đón nhận lặng im

lặng im như đất

đâm lên trong tôi tơ non chồi biếc

từ những hạt già.

 

 

BÊN TÔI

 

 

Không thể dửng dưng với đôi mắt ấy

cái vòm đêm dại ngây vì sao cháy

lời rao mời trẻ con

” nước trà ngon mời chú uống dùm “

 



 

” nước trà ngon mời chú uống dùm “

cháu cứ lượn quanh còn tôi thì lặng đứng

khẩu súng khoác vai cũng nghếch nòng nghe ngóng

vẫn lời rao nhẫn nại như không

 



 

trước mắt tôi bé nhỏ một chứng nhân

phảng phất lại thời xưa Đà Nẵng

như Sơn Trà chợt đứng lên trên biển

giữa ồn ào quên lãng dưới chân

 



 

Chỉ mời nước trà thôi không hề ngửa tay xin

nhưng với tôi cháu đang đòi dữ dội

điều cháu đòi tôi lại chưa làm nổi

bao giờ trẻ con chỉ học và chơi

 



 

bao giờ … bao giờ buổi ấy đã xa rồi

lời ra mời vẫn bên tôi … bên tôi…

 

 

 

 

 

 

 

ĐỀ VỀ

 

 

Chiều chiều phấp phỏng số đề

những chú nhóc chạy bán ” Kết quả ” rối rít vỉa hè

những mặt đợi chờ may mắn nhạt nhoè hoàng hôn

 



 

ngỡ thiếu dần cả khí trời để thở

ngột ngạt đường xe lấn chen

ai cũng như mắc chứng tâm thần

 



 

hun hút hành lang bệnh viện

từng cặp từng cặp dìu nhau cơn đau

sự sống như lùi vào đây chờ lên bàn mổ

 



 

chẳng lẽ không còn gì đáng tin hay sao?

mà đành đánh đề hy vọng

mất một thôi được gấp bảy mươi lần

 



 

đã mất bao nhiêu năm

đất có nước mà sao thiếu nước

về hưu rồi đồng chí đi đâu?

 



 

vượt đám đông về nhà vọt lên tầng năm

đơn độc thấy thành phố dưới chân choáng váng

ai chợt thét lên bên kia:

– Đề về ! đề về …

 

 

 

 

NGẪM NGHĨ

 

Ngày nào ra đường cũng gặp thêm người mới

những người lướt qua ta trong đời một lần

xuân đã qua có bao giờ gặp lại

xuân càng về càng quá cũ trước gương

O

thêm mỗi tuổi thêm nhiiêù người quen

thưa dần bạn bè

uống mãi ngọt uống thêm cay đẵng

ngơ ngác nhìn sự thật bị câm

O

Chuông nguyện hồn ai trong nhà thờ thế chuông?

hồn ta dần mòn, hồn ta dần nhỏ

đôi khi khóm hoa trước cửa nở

không rõ cái gì ngan ngát trong đêm

O

bao khao khát rồ lên rồi cũng tắt dầu

làm mất mình cực kỳ phi lý

một nhịp điệu yêu, một cái nhìn vô ý

ta ngẩn ngơ thò tay vào túi rỗng không

O

sao ta không dám nổ tung như hạt nhân

cứ cam phận một kiếp người hèn hạ

sao ta không dám vỗ sóng cùng biển xanh

cứ phẳng lặng một cánh buồm yêu ả.

 

 

 

 

THÁNG SÁU

“Tháng sáu có chiếu vua ra…”

                                            CA DAO

 

Tháng sáu có bão đổ về

Cơn động đất ngả nghiêng hè phố cây

linh cảm rền sấm bên tai

con cua hấp háy cái mai mặt người

O

tháng sáu nhễ nhại mồ hôi

cam go vật lộn giữa đời áo cơm

tai ương dội xuống tâm hồn

nỗi buồn chôn chặt nội buồn mọc lên

O

thơ in chưa ráo mực đen

đã nghe cũ kỹ rêu trên từng lời

cao cao muôn thủơ là trời

mới đâu tiếng khóc tiếng cười ngoài kia

O

tháng sáu cúi mặt mà đi

nắng trên đầu vỡ điều gì trong ta.

 

 

 

 

 

 

NHỮNG ĐÊM THỨC TUỔI BỐN MƯƠI

“Tứ thập bất hoặc

Lời cổ nhân”

 

Những đêm thức tuổi bốn mươi

trôi về kỷ niệm nói cười xa xăm

dọc ngang trai trẻ biển ngàn

lướt qua như gió gian nan ngợp trời

O

uống bao thứ rượu trên đời

không làm thay đổi thằng người trong tay

tự nhiên nước mắt ứa ra

tuổi bốn mươi tóc đã nhòa bớt xanh

O

những đêm thức trắng cây cành

ước mơ bé lại từng canh ngậm ngùi

lênh đênh mãi kiếp lở bồi

bao vòng tay khép chặt rồi rời trôi

O

những đêm thức tuổi bốn mươi

chìm trong hơi thở giấc muồi vợ con

ấm êm hạnh phúc có còn

hai mươi năm lẻ dập dồn chiến chinh

O

những đêm thức tuổi của mình

dăm câu lục bát bình minh gập ghênh.

 

 

 

 

TỰ TRÁCH

“ngũ thập tri thiên mệnh”

                               Lời cổ nhân

 

Có ngày uống ít uống nhiều

có ngày no uống sớm chiều đói ăn

sao không tu tỉnh xác thân

kiếp gì ? cực nọ nhảy thành cực kia

O

có thu buồn đến chết đi

có thu sống lại em khi thu về

sao không dấu kín tái tê

chưa kịp tỉnh đã đắm mê mẩn rồi

O

có thời ca hát đầy vơi

có thời câm bặt không lời sẻ chia

sao khư khư giữ làm chi

câu thơ cũ đổi chút gì cho xong

O

có còn có nữa hay không ?……

 

 

 

 

 

LIN GA

 

Vụt lớn nhanh hơn cả thánh gióng

đạp đổ quyền uy

chọc mù trí tuệ

mê muội vòng quay mông lung

O

mềm hay cứng cung thức lòng

không dấu nổi

sự mụ mẫn của đàn ông

là sức mạnh đàn bà không từ chối

dục vọng hay khát vọng cũng thường

biến nhiều thứ cao sang thành con rối

O

Ở thấp đối xứng bộ óc

neo lại một cực tồn tại cho loài người

điều khiển một vùng bí mật

sáng tạo ra bi hài kịch đời

O

đêm trong mơ ngỡ mình hoá Tháp Chăm

sương mờ hư ảo

và em tới như một người mộ đạo

lặng im thoát tục với Lin Ga.

 

 

 

 

TAM CÚC BA MƯƠI CÂY

 

Sĩ điều cũng xong tượng vàng cũng vui

giữ kết bộ đôi, đôi khi phải chui

kể cả tốt đen gặp cơn tứ tử

được nước cầm kết cả làng biết mùi

O

an phận sĩ con hiền lành tịnh thâm

rồi đỏ rồi đen bộ xe pháo mã

không ba thì đôi rồi thì tốt đỏ

cũng cứ là tươi thân phận nào ai …

O

duy chỉ có điều làm tướng thật gay

dù là tướng bà, tướng ông càng mệt

tớ đây làm tất trừ hai bậc “mét”

tam cúc đời tớ chỉ hai mươi cây

O

nào thì cụng ly nào thì tỉnh say

ở giữa bạn bè lúc nào cũng tết

nào thì chia ra nào thì chấp hết

nào thì chui đi nào thì ăn quân …

 

 

 

VỀ HUẾ

 

Huế ta về ba lô vai đeo

ở thấm thoát ddax mười năm chẵn

lang thang đường đời bèo gọt

đây ngõ sâu tĩnh mịch bước vào

 

Tĩnh mịch xanh vườn giấc chiêm bao

Đêm chợt thức mộng du ngơ ngẩn

Ngỡ ngạt thở vì không tiếng động

Không dưng buồn một thoáng cô đơn

 

Bạn bè quanh im ắng cây đờn

Rượu rót đầy cắn gác mái thấp

Có cái gì bay ngang bị vấp

rơi tự do trong mắt u linh

 

Có cái gì như kẻ thất tình

ngồi nhóm lửa xé tờ giấy đốt

Giá như khóc được to cho bớt

nhưng nỗi niềm chồng chất lặng câm

 

Bánh bột lọc quán cơm bình dân

đĩa ngao hến xẻ chia bùi ngọt

tiếng xe thồ mới chào buốt ruột

lưng gồng lên dốc bến Ngự cao

 

Huế ta về ba lô vai đeo 

 

7 – 1990

 

 

 

 

TRONG ĐÊM

 

 

Trong đêm

những con bò kéo xe nặng nề lặng lẽ

miền Trung

những quả núi chẳng muốn đứnh yên

những dòng sông chảy như không ra bể

 

ta mãi dấu trong bể ngoài mình

như đêm giấu đau buồn bao khát vọng

cả quá khứ ngang tàng

cũng chợt dừng tốc độ khuya vắng

giấc lãng quên gật gù liên miên

tàn thuốc đỏ cháy ngược về cuộc chiến

đã hơn hai mươi năm

 

trong đêm

những con bò kéo xe chậm bước

như em kéo ê chề kiếp đào hoa

như hồn ta

kéo lê thân xác

 

đã tới tuổi nghi ngờ vài lòng tốt

chuyện xấu xa cơm bữa thường quen

chịu đựng quá tưởng chừng còng gập

đôi khi ngẩng thấy kính nể mình

lại cú xuống sống nốt từng oan khuất

hoang vu rồi gỗ cất nhà lên

 

trong đêm

những con bò kéo xe nặng nề lặng lẽ

như con người kéo trong đời tỉnh lẻ

như ta mang nhau thông cảm mọi tật nguyền

những con bò vẫn đi lặng lẽ trong đêm

ngoài tiếng móng sắt gõ mặt đường đanh đúa

có lúc chợt giật mình nhìn rõ

trong lặng lẽ kia còn giấu một cặp sừng.

 

 

 

 

 

DẦU XUÂN CHỢT NGHĨ VỀ THÁNH GIÓNG

 

Tôi cầm lên một đốt xương Thánh Gióng

Tre đằng ngà

Bụi tre vàng bụi tre vàng óng

Lửa sơn mài ngựa sắt phun ra

 

Huyền thoại mà thành thật ở đời ta

Tiếng vó gõ ao chuôm bóng ngựa

Người vì thế mà xương còn lưu giữ

Trong bụi tre vũ khí nhân dân

 

Không phải ai cũng đẻ được thánh thần

Bà mẹ Việt, đất nước linh thiêng quá

Nhiều anh hùng bởi nhiều phen giặc giã

Có còn ai như Thánh Gióng bay lên

 

Có còn ai như Thánh Gióng lãng quên

Lãng quên ngay chiến công mình vừa có

Mới thêm yêu bao nhiêu người tài đã

Biết lui về ẩn dật giữa vinh quang

 

Cái đốt xương không đốt được thành than

Cứ mọc lên đời đời tươi tốt

Và nỗi nhớ một thời đồ sắt

Là bài học về huyền thoại của người

 

Không ai hiểu Người hơn đích thực con người

Tôi nâng ngang một đốt tre đằng ngà thổi sáo …

 

3 bình luận to “BIỆT TRĂM NĂM (2. BIỆT THẾ SỰ)”

  1. Digital Glamour Photography

    hey great stuff

  2. layout myspace tupac web [url=http://change.iega.info/sm.html#1357986573]layout myspace tupac web[/url] http://change.iega.info/sm.html 599555499

  3. comment generator hiding myspace

    comment generator hiding myspace

Bình luận về bài viết này