Nguyễn Thụy Kha

nguyenthuykha.wordpress.com

Đọc Càn khôn ngàn tuổi của Nguyễn Thụy Kha

Posted by hienan trên Tháng Bảy 11, 2007

Phạm Nguyễn Toan

 

Càn khôn ngàn tuổi mang đậm màu sắc triết học phương Đông. Từ cái tiêu đề của tập cho đến cách sắp xếp 64 bài thơ “theo nhịp càn khôn” để mỗi bài ứng với một quẻ trong Chu dịch. ở đây còn có cách nhìn Hà Nội theo thuyết phong thuỷ, thuyết âm dương – ngũ hành, theo Hà đồ – Lạc thư. Nhưng cách nhìn của Thụy Kha không dập khuôn cổ điển mà hoàn toàn mới lạ.

Ông ví 5 cửa ô là ngũ hành như không phải là: Kim- Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ nữa, mà là:

Vào năm cửa ô được 5 điều cho

Anh đi tìm nước gặp 5 mặt hồ

Đi tìm quán cũ gặp vị phở xưa

Anh đi tìm lửa nhấp môi rượu vò

Bới cát tìm vàng thì em hiện ra

Anh lần tới vườn thì hương vừa thu…

(Hà Nội ngũ hành)

Đọc Càn khôn ngàn tuổi, thấy có phần lịch sử, nét văn hoá cổ kính của Thăng Long xưa: “Ngày vua Lý dựng nghiệp Thăng Long/ngày vua Trần dẹp tan nguyên Mông/Ngày vua Lê Đông Đô đại cáo…” (sáu ngày vàng ngàn tuổi) và mênh mang cả ngàn năm Đế đô/Nhịp xênh phách/ xưa hồn ai lấn vào/ thương nhớ bây giờ/ gọi tên xưa cũ… (Dần dần, em sẽ gặp Hà Nội) có phần hào hùng của những ngày Hà Nội sục sôi đáng Pháp đuổi Mỹ: “từng mọc lên những chiến lũy thủa nào/ Hà Nội trận Điện Biên trên không tháng Chạp” (Hà Nội trái tim); cũng có phần tươi mới hiện đại của Hà Nội hôm nay: “Bụi công nghiệp như mơ/ Em hiện ra tan ca náo nhiệt ” (Hà Nội trái tim). Ta cũng bắt gặp trong tập thơ này một Nguyễn Thuỵ Kha với nhiều góc cạnh khác nhau, với những chất khác nhau. Đó là chất lãng mạng thi sĩ: Mưa bỗng hoá rượu trời khẽ rớt/ Em nghiêng nghiêng Hà Nội vào thu (trong ta thêm lần nữa thu về). Đó là chất nhạc của con người nhạc sĩ: “Chiều dâng sương xuống trắng/ bồng bềnh bao mái nhà/ Tung sóng” (Sóng nhà). Đó là chát sắc lạnh, tỉnh táo của con người báo chí. “Vào năm cửa ô gặp 5 điều cực/ Em đẹp như tiên chửu thề văng tục/ Em đầy mình vàng không sang trọng được/ Người đầy trung thực thua thiệt âm thầm…” (Hà Nội ngũ hành). Và phảng phất đâu đó chất hội họa tài hoa, chẳng hạn: “Nhấp nhô phố cổ mưa giăng/ Hoa sấu trắng đến ngỡ ngàng rây mưa/ mảng rêu ướt bức tường xưa/ ai xõa tóc… cả cố đô thì thầm…”(mưa phố cổ)

Qua sáu tư cửa của “trận đồ bát quái bằng thơ”, ta bị lạc vào Hà Nội vừa quen vừa lạ. Cũng hồ Gươm, hồ Tây, cũng phố cổ, cửa ô, cũng sông Hồng hoa sữa… nhưng chúng được nhìn dưới một con mắt riêng, cảm nhận bằng tâm hồn riêng của Thuỵ Kha. Trong đó ta cũng thấy có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông (tương tự cho tứ tượng). Nhưng dường như thi sĩ họ Nguyễn này cũng không cưỡng nổi cái đẹp mê hồn

của mùa thu Hà Nội như bất kỳ ai nên anh đã giành cho mùa thu đến một phần năm “trận đồ bát quái”. Thuỵ Kha nói cho mình, nói cho người, nói hộ những người đang yêu, nói những lời chiêm nghiệm, nói những lời tưởng nhớ. Anh nói theo những cung bậc khác nhau của tình cảm: khi vui tươi dí dỏm, khi buồn man mác, khi buồn đến bần ruột, lắm lúc lại đau xót đắng cay. Thuỵ Kha đã dành đến 16 bài để tưởng nhớ về những nhà văn, nhà thơ hoạ sĩ và chiến sĩ có ảnh hưởng và gắn bó với Hà thành.: Những Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Dương Bích Liêu, Xuân Diệu… Mỗi bài một nét, một cách song tất cả đều mang cái nhìn khả kính, trân trọng biết ơn… Có thể nói, đọc Càn khôn ngàn tuổi của Nguyễn Thuỵ Kha ta thấy có một không gian Hà Nội có chiều sâu, tầm cao bề rộng của lịch sử – văn hoá, thấy vẻ đẹp phong cách và tâm hồn… Nó được ẩn mình trong cách thể hiện mới lạ sâu sắc và ý nghĩa. Đây là chiếc “bánh trưng thơ” mà chàng “Lang Liêu” Thuỵ Kha dâng mừng Thăng Long nghìn tuổi.

Báo Văn hóa

2 bình luận to “Đọc Càn khôn ngàn tuổi của Nguyễn Thụy Kha”

  1. Tosedesee said

    Make peace, not war!

Bình luận về bài viết này