Nguyễn Thụy Kha

nguyenthuykha.wordpress.com

BIỆT TRĂM NĂM (5. BIỆT THỜI TRUÂN)

Posted by hienan trên Tháng Bảy 12, 2007

V

BIỆT THỜI TRUÂN

 

 

 

MÙA XUÂN NHỚ

 

Đôi khi buồn ta ngồi lật giở

tấm bằng đỏ thông tin

Bỗng hiện về một nẻo chiến tranh

Ga Vũ én tối mờ muỗi đói

Sông Thao rộng chuyến đò ngang lầm lụi

Bãi cát dài dằng dặc thuở sinh viên

Những giảng đường hầm, những giáo trình mục hoen

Gánh củ nặng củ sắn lùi chảy nhựa

Ôi trung du một mùa xuân cháy lửa

Cọ ngụt xanh cuồng dại tình đầu

***

Bỗng dâng lên trùng điệp non cao

Ngày len lỏi Trường Sơn đặt trạm

Đường dây kéo căng ngực rừng bom đạn

Rũ mưa rừng lanh lảnh hồi chuông

Ai biết những tháng năm chịu đựng ngỡ bình thường

Đã làm một huyền thoại mới

Bao lớp người từ đây bước tới

Một chân trtời ngỡ chỉ trong mơ

Những luận án tưởng tượng khi xưa

Từ trang giấy hoá thân thành sự sống

Ký ức thông tin, phải không em ?

     Có những ngày buồn lắm

Để xuân này ứa nước  mắt tủi mừng

***

Chỉ còn ta con chim lỡ lạc đàn

Rời mạch điện đắm chìm vào chữ nghĩa

Rời tín hiệu vu vơ tìm vô vị Thần tiếc thương mùa xuân nhớ bạn bè

Biết tìm đâu tình yêu dấu ở ngoài kia

Ta mép mình trong phòng gương điện thoại

Ta ngợp dưới một vùng trời sóng chạy

Chợt vớt ra một câu hát tươi ròng

“Này người ngơ ngẩn đợi mong

Có dừng chân trạm viễn thông thì dừng

Cố nhân thì cô nhân cùng

Chia nhau một chén rượu nồng mà say”

 

ANH LÍNH VÀ CON CHIM CÂU

 

 

Cơn gió sớm cuối đông cuốn vội

tiếng tàu bay tắt lịm nửa đêm

hoà bình về hay mùa xuân tới

cảm giác cuối cùng hay cảm giác đầu tiên

O

anh lính xuyên đường làng

nghe hàng dương lay lắc

tiếng xe trôi rộn ràng

hay chính lòng anh hát

O

vẫn nắng xuân trời cao bát ngát

mà sao như ấm áp hơn

vẫn em của hôm qua tất bật

mắt bồ câu như muốn bay nhanh

O

cả đàn bồ câu nữa

lẫm chẫm đôi chân loanh quanh vạt cỏ

cái mỏ mổ hạt sương

anh lính xoè tay đón con chim nhỏ

hơi ấm hoà bình phả vào tay anh

rồi bàn tay mở

con chim tự do vỗ cánh bay cao

đôi cánh trắng chớp bình minh rực đỏ

O

nơi anh đứng là nơi chim ở

đỡ tổ chim nửa vỏ quả bom bi

chiến tranh đã quỳ nâng hoà bình lên đó

đất quanh hố bom rau đã xanh non

O

ở đát lửa  chuyện sống đâu có lạ

nhưng dẫu quen vẫn muốn ngắm lâu lâu

ngày hoà bình đầu tiên về nơi tàu phá

lại bay lên rồi ở đấy cánh chim câu.

 

2.1973

 

 

 

 

 

ĐIỆP KHÚC MÙA THU

 

Chẳng hẹn nhau chúng tôi vẫn gặp nhau

Nơi diệt biệt động quân Nông Sơn, Tiên Phước

Nơi vây chặt lính dù trước chi khu Thượng Đức

Chẳng hẹn nhau chúng tôi vẫn gặp nhau

 

Hết ngày mưa đơn vị chiếm điểm cao

Em lại đến bàng hoàng trong nắng

Cao mênh mông là câu hò xứ Quảng

Quen lắm rồi vẫn cứ lặng người đi

 

Đất mẹ nghèo nhân hậu đến thế ni

Trao cho em giọng hát kỳ lạ lắm

Với lửa reo, súng rền đầy mặt trận

Câu hò này thành điệp khúc mùa thu

 

Điệp khúc mùa thu gợi kỷ niệm mùa thu

Nghe em hát thấy lòng đầy chan chứa

Cơn sốt rừng cũng không rền rĩ nữa

Lòng bao người dịu mát như sông xanh

 

Không thể nhận ra màu da tái xanh

Khi em xô câu bài chòi lanh lảnh

Không thể nhận ra tấm vai gầy mảnh khảnh

Khi em nói về chuyện diệt bốt,

 

Mũ tai bèo lớp vây quanh em

Ngàn câu cười đổ thành dòng thác lớn

Dòng thác cuốn đi những gì bề bộn

Để tâm hồn lại thanh thản, ung dung.

 

Điệp khúc mùa thu ngân dài đến mùa đông

Mặt trận càng lan sâu,điệp khúc càng tươi tắn

Đường chúng tôi đi đến ngàn ngàn trận đánh

Có điệp khúc làm cầu nối giữa những chiến công.

 

 

 

 

KHÚC HÁT MÙA KHÔ CAO NGUYÊN

 

 

 

Hướng ngã ba có mũi tên màu đỏ

Dòng chữ đỏ mịn quá nắng mưa

Tây Nguyên đường bao xa nữa ?

Rét lạnh qua rồi gió mang đến mùa khô

 

Cảm giác tới Tây Nguyên, đấy màu khô hồi xưa

Xuyên chập chùng những cánh rừng phía bắc

Đi với các anh suốt Trương Sơn xẻ dọc

Năm tháng qua đi gửi lại bao người

 

Bao người mở đường và khai phá đất đai

Nhận phần cho mình chỉ cỏn con gò đất

Nay trọn vẹn về ta đất nước

Mùa khô nhớ nhau chúng tôi lại trở về

 

Như từ đô thành về với đồng quê

Từ xa cách tìm về người tri kỷ

Cuộc trường kỳ từng bên nhau đồng chí

Cao nguyên ơi ! Chúng tôi hát như xưa

 

Có phải đây là khúc hát mùa khô

Khúc hồi tưởng những màu khô đánh giặc

Khúc bi hùng của những người đã khuất

Khúc tâm tình của tôi với các anh

 

Kiếm tìm nhau bằng dấu tích hành quân

Tháng năm phôi pha lối mòn mờ lại

Trận địa hồi nào giờ xanh ngàn cỏ dại

Đâu mảnh đất xưa nơi gởi các anh nằm

 

Đâu mảnh đất sương gió âm thầm

Reo hò lại những âm thanh thuở ấy

Những cuộc hành quân những ngày lửa khói

Lời khẽ rên trong đám cháy sốt rừng

 

Lời hát làm sao mà cán xẻng rung rung

Bỗng giây phút tay đào như chững lại

Phải khoảng đất này thấm máu sương đồng đội

Tay nâng niu trong ánh mắt tuôn rơi

 

Khúc hát vời những người đồng chí vô danh

Tôi lại hát hôm nay khi tôi đến

Trước các anh tôi hát lời thành kính

Hay lời này tôi hát với chính tôi

 

Bìa rừng phong lan đã nở tím rồi

Hoa cốt-mốt những cánh xoè mỏng manh

Nở suốt đường anh đi từ trận đánh

Vào khúc hát này, vào nỗi nhớ muôn sau.

 

Pleiku 4-1976

 

 

 

NGÀY 19.8.1977 Ở CỔN

 

Sáng

học sinh lớp bảy ồn ào tới trường

thi lên lớp tám

hơi lạnh

mang về màu thu

tôi bâng khuâng con đường rây mưa

xẫm một dòng nhựa sáng

có gì khẽ sóng

khi chạm những vết chân mờ

ngỡ dấu vết thu xưa

tôi đến rồi đi còn để lại

O

Ngày ấy

cũng sáng thu trong veo

cuộc chiến tranh ập xuống từ trời cao khốc liệt

tôi chỉ kịp nhìn theo

những đứa trẻ rời tay cha mẹ

những đoàn xe sơ tán ra phía Bắc

chỉ một loáng là bốn bề vắng ngắt

lúa đang ngậm đòng

các thửa ruộng đè lên nhau dập nát

người còn lại bới hầm tìm người mất

trận bom vừa tinh mơ

ở hầm kèo không thể nào cắm cờ

kỉ niệm ngày thành công cách mạng

cờ mọc trên ngực người đỏ thắm

tôi lau nước mắt em áo đen

rồi cùng lên trận địa 12 ly 7

O

và tình cờ sớm nay tôi lại tới

như phép thiêng cũng của trời cao

ai khẽ nấc rồi cười rưng khoé mắt

cờ hai bên đường bay hồng hào lên mặt

ước được như hôn ngực ai năm xưa

em đi đâu cô giáo của bây giờ

đứa trẻ mồ côi K10, K8

hay chính em áo đen kỷ niệm

cưới với tôi áo trắng muốt hàm răng

O

chính lúc ấy tôi muốn ra cánh đồng

cười khóc mình mình giữa bời bời xanh lúa

muốn cởi hết nhọc nhằn thả bay theo gió

những tháng năm tàn phá vụt qua

cây lan hành đã xoè hồng hoa

tôi đến ngắt thấy mảnh bom hoen rỉ

đất sắp lấp hết những hình thù kinh dị

thị trấn năm xưa kẻ địch định xoá tên

ngày kỷ niệm cách mạng thành công lặng lẽ

tôi hái nấm cỏ dày khắp miệng hố bom.

 

Cổn 19.8.1977

 

 

 

 

MÙA XUÂN DÂNG

 

Bất chợt nhìn trước cửa

Cành khô nhú chồi non

Xanh dần rừng tàn sương

Từ đâu mùa xuân đến

 

Đã sống cùng giá lạnh

Đồng đội ấm lửa hồng

Ngỡ như bàn tay lính

Kéo rừng qua mùa đông

 

Rủ nhau cắt lá rong

Mài sắc dao chẻ lạt

Quây quần nồi bánh chưng

Trạm máy cây đào biếc

 

Bên nhau ôm đàn hát

Nhớ thương dọc đường dây

Mùa xuân từ trong ngực

Biên cương, tuổi đôi mươi

 

Củi như hương bay

Xuân nay ai vắng mặt

Tự nhiên thấy ngập ngừng

Nơi bàn chân đập nhịp

 

Suối tràn ra từ đất

Từ đường dây reo chuông

Phải từ nơi bạn nằm

Mùa xuân dâng mùa xuân

 

SÀI GÒN VÀO XUÂN

 

Những bước chân nắng vẫn rầm rập hành trình trên đường phố

Ơ thế mà đã xuân

vẫn dòng xe cuồn cuộn

mấy chú đồng cô véo von lên đêm

có một người bạn vừa nhịn ăn 49 ngày liền

minh chứng lại một điều tin

 

sôi động và lặng lẽ

già dặn và hồn nhiên

mùa xuân cứ trào ra không cưỡng được nơi em

 

em trần vai khoác một mảnh nắng chiều

hình hài phương Nam

tóc xoã một giai điệu nhảy

và thơm mùi lửa cháy

em không biết em đang làm buồn

một kẻ cô đơn

 

hút vào nhau một dòng nhựa tươi ròng

dàn thánh ca cầu hồn cho người chết

và sự sống lại bắt đầu bài hát

như em như thành phố vào xuân

 

những chai bia đen bật nắp sủi bọt trắng tinh

lại vẫn kẻ cô đơn nhớ nhà chầm chậm cầm lên một ly rét lạnh …

 

 

 

 

CÀNH ĐÀO

 

 

 

Ai giơ ao cành đào

Trời Sài Gòn chợt dịu

 

Ta nhớ gì ngoài kia

Mà cành đào cứ hồng rất thắm

 

Ta ngỡ gặp trong mơ

Một ngọn lửa vô hình đốt nóng

 

Và mùa xuân từ một phương trời lạnh

Ùa lên như một thoáng mưa qua

 

Ai giơ ao cành đào

Lòng ta trùng lại …

 

 

 

 

 

RÚT TỪ NHỮNG SỢI MÂY

 

 

Trắng muốt như sợi mây

Chảy như dòng nước nhỏ

Quây vào anh mềm những ngón tay

Em cuống quýt những cơn tình tự

 

Trắng muốt thế mà quẫy nhiều thế nữa

Không biết ngày mai

Sẽ thành đồ vật gì ở nơi xa xứ

Cam chịu say một kiếp ngủ dài

 

Vừa thoát khỏi hoang sơ trinh bạch hình hài

Như sợi khói vởn lên một khuôn mặt Ấn Độ

Cào nhức buốt chiều trắng buốt ra nỗi nhớ

Những sợi mây xuất khẩu thành thơ.

 

 

 

 

 

NỖI NIỀM THỦY THỦ

 

 

 

Không ai muốn lênh đênh mãi

Những chuyến xuyên đại dương nuốt gọn tháng ngày

Thèm lắm một ấm êm dừng lại

Vợ hiền đêm khuya, con thơ ban mai

 

Không ai muốn … nhưng nếu không ai

Thì con tàu chỉ còn trong tưởng tượng

Phải yêu biển hết mình mới lênh đênh cùng biển

Con tàu trôi: một mảnh đất liền trôi

 

Không dốt nát nào chống chọi nổi xa khơi

Mỗi con tàu một mảng nền văn hoá

Chỉ chút sơ sót thôi sẽ làm mồi cho cá

Chúng tôi thắp mình lên sáng với hải đăng

 

Nỗi nhớ nào bằng nỗi nhớ Quy Nhơn

Cũng vì Quy Nhơn con tàu ra biển cả

Cũng vì cuộc đời chúng tôi làm thuỷ thủ

Số phận buông neo số phanạ lại nhổ neo.

 

Quy Nhơn, 8 – 1992

 

 

 

NHẶT THÁNG GIÊNG

 

 

Anh nhặt lên tháng giêng

Những cánh đào rơi xuống

Xuân còn thanh tân em

Sao hồng hoa vội luồng

 

Sao như còn níu vường

Một chút gì trinh nguyên

Trong tả tơi tưởng tượng

Lần giao hoà đầu tiên

 

Giờ rắc đầy nỗi niềm

Những trái ngang thất lỡ

Cũ càng làn hương ngỡ

Vẫn còn ngan ngát đây

 

Anh nhặt từng rụng bay

Héo tàn không tươi nữa

Không lá cành hé nở

Chỉ còn rưng rưng buồn

 

Lặng lẽ ép vào đáy lòng

Dường trong thăm thẳm ấy

Nát dập kia sống dậy

Xoè thơm hơn bao ngày

 

Và đã về tháng hai

Và mưa phùn lành lạnh

ấm từng hơi rượu mạnh

Cánh đào nào tháng giêng…

 

 

 

MÂY VẪN BAY

 

 

Mây vẫn bay và trời vẫn cao

giữa Trường Sơn anh nhớ em phát khóc

vẫn A Lưới, A Sầu , suối nguồn A Sáp

mà không sao thấy được dáng em

 

Vẫn sông nước cầm hơi chúng mình

sao không phải là anh mà là em bạc mệnh

 

Thuốc độc nhiễm suốt đại ngàn đi hận

những người lính vẫn chết vì chiến tranh sau chiến tranh

 

Không còn thấy chết đứng cánh rừng

nhưng cũng không còn trên đời em cười nói

 

Bản làng dọc đường mọc lên A Lưới

màu xanh màu xanh xoá sạch hố bom

 

Ngỡ như hồn em trong mây lẩn quất vui buồn

trong ngõ sắn phơi rưng rưng no ấm

 

Đã hi sinh và đã dâng hiến

như là không như cỏ như cây

 

Thì còn tiếc gì không dâng nốt hôm nay

đến cạn kiệt và biết mình hạnh phúc

 

Mây vẫn bay như không hề thuốc độc

mây vẫn bay như không hề đạn bom

 

Mây vẫn bay như thế

mây vẫn bay…

 

13.8.2000

 

 

 

 

 

 

BẾN TẮT

 

Chỗ ngoặt Bến Hải đổ ra cửa Tùng

có thuyền đâu mà gọi là bến Tắt

dưới bóng dài kỷ niệm hương nghi ngút

tôi chìm trong nghĩa trang Trường Sơn

 

Tiếng nước reo gió réo đồi thông

đẩy tôi chìm giữa bao dòng thác lớn

hoà thanh của vô vàn quá vẵng

về một thời bi tráng Trường Sơn

 

Đè nặng ngực tôi xe vượt khẩu hoàng hôn

ai bẻ đôi điếu thuốc chia lần cuối

mìn thông đường chất chúa đanh dưới núi

ai cắn nát vai tôi thét trong hôn me

 

Những con thuyền vượt cắt mọi phong ba

họ về đây từ ngút ngàn huyền thoại

họ sừng sững giữa chiến tranh vĩ đại

nơi có tên và nơi không tên

 

Nghĩa trang này thánh cái bến bình yên

những con thuyền đã cập bờ lịch sử

 

 

 

 

GIỮA BẦY ĐÁ MỒ CÔI

 

 

Đục lên đá những vết thời gian

Mái tóc bạc khói sương phờ phạc

Người thợ già như trẻ thơ lưu lạc

Giữa ngàn xanh triệu tuổi đã mồ côi

 

Có nơi nao trên trái đất này

Đá vô dụng bỗng chốc thành của quý !

Người chen nhau vồ vập nó

Như từng bồng bột đam mê nhau

 

Những tảng đá – những quả trứng tròi cao

Rớt quanh núi chợt vỡ ra vàng nắng

Người thợ già thu mình dưới lán

Lặng lẽ từng nhát đục gọn đanh

 

Như xúc xắc như “ru – bích” khối vuông

Bí ẩn giấu những nỗi muộn phiền kỳ lạ

Người thợ già ngồi như hoá đá

Giữa bầy đá mồ côi đang cất tiếng và đời.

 

 

 

 

 

TỰ NGẪU XUÂN

 

 

 

Tuổi già xầm xập đến

Nhớ ít dần nhiều quên

Mắt thức sau cặp kính

Thân ngủ tiếng ngáy lên

 

Nhìn người già hơn mình

Thấy không già như trước

Nhìn người trẻ hơn mình

Biết hết ngang ngửa được

 

Thần xác dục vọng cướp

Thơ tuốt tướp thần hồn

Giọt rượu trong làm ngọc

Soi lên bao đau buồn

 

U uẩn sao vẫn còn

Mong ngày chầm chậm mất

Tình còn gì bí mật

Treo một đời mong manh.

 

 

 

 

 

CHÁY LẠI

 

 

 

Nguội lạnh những tro tàn quá khứ

chợt cháy lại thanh xuân

 

có hồi ức tưởng chôn cặt đáy lòng

bỗng hồi sinh và hát

 

nhấp nhô nhấp nhô phần phật gió lồng

nắng không khói mà xém đen tóc rối

 

chẳng thấy bạn bè xưa ngoài thiên nhiên

không đổi

nhưng tôi tin những người dưới đất kia vẫn

nhận ra mình

 

họ mừng tủi và họ vây quanh

những hàng bia vỗ về hương khói

 

bấy nhiêu nấm mồ bấy nhiêu ngọn núi

xa lẻ loi có một kẻ là tôi

 

họ trách móc họ vuốt ve và cười

– Sao này sống phí hoài như thế …

 

tôi ăn năn im lặng bên cây

ờ vô nghĩa sao những tháng ngày hèn đớn

 

và bốc cháy tự lúc nào tôi thành cây

chết đứng

giữa nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

 

 

 

 

 

ĐỘC HÀNH

 

 

 

Lối mòn độc hành

xanh

        tôi mòn mình mình

 

Lối mòn độc hnàh

sáng

        vui buồn phận người

 

Hát lời độc hành

đất

        in hằn đường trường

 

Em cười mình mình

xích

        duyên tình lòng vòng

 

Lối mòn độc hành

mưa

        tinh cầu một trời

 

Tôi mòn mình mình

tôi

        lối mòn độc hành.

 

 

 

 

 

 

KHÚC TUỲ HỨNG NGÀY ĐẦU NĂM

 

 

 

Tự bóc mình như bóc tờ lịch cuối cùng

có một khoảnh khắc tên là tự do

 

con yến may thoát khỏi lồng

nó đang cố hoà màu vàng của mình vào màu đàn sẻ non

bằng cách hoà giọng hót

nhưng cái vẻ đẹp vừa thoát khỏi tù ngục

cái nghệ thuật vừa được tự do

chẳng thể nào giấu được non tơ

 

ngày đầu năm

đặc quánh khắc giao thừa

trái đất từ cô gọn

bằng một màn hình tivi

dường như ai cũng gắng thoát khỏi thời gian cũ

bằng cách riêng của mình

con gái tôi cũng vậy

mười bảy tuổi ra đường đêm cuối năm

lẫn vào đám đông tưởng chừng không tách nổi

lại lặng lẽ trở về nhà một minh flúc một giờ khuya

 

bình minh mới đang liếm dần đêm cũ

tôi cũng định vụt chạy sang ngay

nhưng không hiểu sao cứ dại khờ quay đầu lại

nhận vào ngực mũi tên

cái nhìn xuyên thế kỷ.

 

 

 

BIỆT TRĂM NĂM

 

 

 

 

Chắp tay lạy thế kỷ anh

thế kỷ cuối, hai ngàn năm Chúa trời

chắp tay lạy thế kỷ tôi

chiến tranh bão gió bời bời năm châu

địa cầu sao vẫn bắn nhau

yêu thương chiu chắt khổ đau tràn trề

chắp tay lạy cả bốn bề

có còn ai giữ ước thề khát khao

mong người sớm tôi có nhau

thật thà sống tựa cỏ rau thật thà

chắp tay lạy cả biển xa

núi cao đồng ruộng hiền hoà quê hương

chắp tay lạy cả mười phương

phương nào cũng có bạn thương, người chờ

chắp tay khấn một câu thơ

thời gian khép lại ngày mơ tới gần

chắp tay xin một đầu xuân

thiên kỷ mới, thế kỷ tân niên về

chắp tay xin mãi đam mê

tình yêu không tuổi ngô nghê kiếp mình …

 

Xuân 2001

 

 

 

 

PHÉP SIÊU CỘNG

 

 

 

Cộng tuổi anh cùng tuỏi em rồi chia đôi

anh đủ trẻ để đươvj mời đi Mỹ

nhưng ngay cả khi mình có nhau

cũng đâu phải để rồi lại chia đôi

chỉ là để tạo một góc yêu nhỏ bé

O

“anh yêu em đến chừng có thể “

tuổi càng cao lên càng gần Put – Skin hơn

chàng thi sĩ yểu mệnh kia đầu súng

vì tình lại choanh mạnh mẽ

yêu là sinh yêu là sống tận cùng

O

chỉ cần có em, anh chẳng cần thêm gì

trên trái đất đáng thương

trái đất giật giành từ bao giờ thế

khi ta bay vào nhau thành phép siêu cộng

là khi máy bay khủng bố đâm thẳng vào nước Mỹ

hạnh phúc và khổ đau chỉ khoảng khắc thôi

O

chỉ tình yêu bất diệt đời đời

chỉ tình yêu mãi mãi sinh sôi.

 

Đêm 11- 9 -2001

 

Một bình luận to “BIỆT TRĂM NĂM (5. BIỆT THỜI TRUÂN)”

  1. Glamour Photography Agency

    hey great stuff

Bình luận về bài viết này